Giá tăng điên cuồng trên toàn thế giới

Ở một số nước như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Trung Quốc, thị trường bất động sản đang ghi nhận sự bùng nổ kéo dài. Theo Knight Frank, giá nhà trên toàn cầu đang leo thang với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, với mức tăng giá mỗi năm lên đến hai con số. Một phân tích của Bloomberg Economics nhận thấy vài thị trường đang xuất hiện những nguy cơ bong bóng chưa từng thấy trước đó kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Bất động sản tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Người mua nhà ở mọi nơi đang rất tức giận khi mà nhiều căn nhà bỏ không giờ được bán với giá như biệt thự.

Lý giải cho sự tăng giá đột ngột này nhất quán ở mọi thị trường: các khoản vay thế chấp rẻ, mong muốn có thêm không gian nhà ở sau đại dịch, những người làm việc từ xa ở thành phố chuyển dịch về ngoại ô, và hơn nữa là nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội ngày càng lớn.

Giá nhà tăng sẽ tạo ra những rủi ro lớn hơn cả về mặt cá nhân và xã hội. Ngay cả khi chưa xuất hiện một sự cố bất thường, thì các khoản vay thế chấp lớn đồng nghĩa với việc người đi vay dễ gặp rủi ro nếu lãi suất tăng, có thu nhập ít hơn, chi tiêu ít hơn vào nền kinh tế chung của quốc gia, và nhiều khả năng nghỉ hưu mà vẫn  mang nợ. Đối với những người trẻ tuổi, việc mua nhà ngày càng ngoài tầm với, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các thế hệ.

Trong khi các cơ quan quản lý đang tỏ ra lo ngại, ít có dấu hiệu cho thấy họ đang triển khai những giải pháp hữu ích để giải quyết vấn đề này. Họ vẫn hi vọng thị trường sẽ tự giảm, và cho rằng nỗ lực hàng thập kỷ để nâng cao tiêu chuẩn cho vay kết hợp với lãi suất thấp trong một thời gian dài sẽ không thể khiến thị trường sụp đổ. Ngoài ra, giới chức cũng nghĩ rằng đa phần giá nhà tăng lên là do các chủ sở hữu cá nhân chứ không phải các nhà phát triển, những người thường có kế hoạch đầu tư dài hạn.

Do đó, những câu chuyện về thị trường nhà ở tưởng chừng như không thể xảy ra vẫn tiếp tục tiếp diễn. Dưới đây là một vài câu chuyện mà bạn cần biết.

Bất động sản Canada

Bất động sản ở Barrie, Canada

Kristin Cripps vô cùng sốc khi rao bán ngôi nhà nghỉ dưỡng một phòng ngủ của mình, một bất động sản mà Cripps cho rằng như “một chiếc hộp nhỏ” và chẳng có gì đặc biệt. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi niêm yết, có đến 192 người hẹn xem nhà. Và suốt 3 ngày tiếp theo, những người mua muốn đấu thầu và đại lý liên tục xuất hiện mà không hẹn trước, băng qua lớp tuyết dày để đập cửa nhà Cripps dù cô có cung cấp những chuyến thăm quan nhà ảo.

Cuộc chiến xem nhà căng thẳng đến mức con đường nhỏ hẹp dẫn vào nhà bị tắc nghẽn, và khoảng 6 chiếc ô tô đã rơi xuống mương. Vào đỉnh điểm của cuộc đấu thầu, Cripps nhận được khoảng 75 email mỗi 20 phút và không ngủ quá hai hoặc ba giờ mỗi đêm khi cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi của người mua. Cuối cùng, cô đã nhận được 71 lời đề nghị và bán căn nhà với giá gần gấp đôi so với giá niêm yết ban đầu, 777.777 đô la Canada so với 399.000 đô la Canada.

Bất động sản ở Úc

Người mua tham gia đấu thầu một căn nhà tại Paddington, Sydney vào tháng Hai

Một căn nhà gần như bỏ trống nằm cách trung tâm Sydney 7km, không có bếp, không nhà vệ sinh hay nguồn điện, càng không được lát sàn hay sơn tường, nhưng lại vừa được bán với giá 4.7 triệu đô la Úc sau một cuộc đấu thầu căng thẳng.

Giao dịch này không có gì là mới ở thành phố mà hơn một nửa số căn nhà được bán trong năm nay thu về ít nhất 1 triệu đô la Úc. Lợi nhuận bán nhà hàng trong quý lập kỷ lục trong hơn 30 năm vào tháng 5. Giá nhà tăng 1.263 đô la Úc hàng ngày trong tháng 5. Còn toàn thị trường nhà ở Úc thì vừa kết thúc năm tài chính tốt nhất kể từ năm 2004, báo cáo mới nhất cho thấy.

Điều này phần nào lý giải do khách hàng có sẵn tiền mặt ở nước ngoài trở về, hoặc khách hàng trong nước giàu có nhưng không thể đầu tư xuyên biên giới bởi các lệnh phong tỏa. Họ sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để có được những bất động sản và lối sống đáng mơ ước.

Bất động sản ở Mỹ

Bất động sản ở Greenwich, Connecticut

Tại khu vực cho giới thượng lưu Greenwich, Connecticut, người mua còn không tham quan một bất động sản mà đưa ra luôn mức giá đấu thầu. Điều này xảy ra với một căn nhà trị giá 1,55 triệu USD. Nhóm người mua đã đề nghị trả bằng tiền mặt cao hơn giá niêm yết và chỉ yêu cầu xem nhà một lần trước khi ký hợp đồng.

Mark Pruner – nhà môi giới của Berkshire Hathaway HomeServices ở Greenwich, ngạc nhiên: “Đây là giá thầu cao nhất và tốt nhất, dù người mua chưa bao giờ tham quan căn nhà”.

Giá nhà ở Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm vào tháng 4, với mức tăng mạnh hơn ở nhiều khu vực ngoại ô và nông thôn. Ở Manhattan, doanh số bán hàng cũng tăng trong những tháng gần đây. Người mua thích săn nhà tại các quận ngoài trung tâm để sở hữu những ngôi nhà với không gian rộng rãi hơn và đều đang đối mặt với cuộc chiến đấu thầu nảy lửa.

Bất động sản ở Vương quốc Anh

Bất động sản ở Guildford, nước Anh

Thật sự khó khăn khi mua một ngôi nhà ở Vương quốc Anh trong thời điểm hiện tại. Theo đại lý bất động sản Hamptons International, gần 1/4 số căn nhà đã được chuyển nhượng thành công chỉ trong một tuần rao bán, nhiều căn còn được bán trước khi niêm yết trên các trang giao dịch trực tuyến.

Thị trường nhà ở sôi động khiến các thủ tục hành chính bị trì trệ. Các giao dịch nhà ở tại Vương quốc Anh không có ràng buộc pháp lý cho đến khi hợp đồng được ký xong, có thể mất vài tháng sau khi một đề nghị được chấp nhận. Tình trạng này ngày càng phổ biến khi các luật sư, ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang phải giải quyết hàng loạt hồ sơ.

Sự cạnh tranh khắc nghiệt đang khiến những người mua như Alyson Nash, 63 tuổi và chồng cô rơi vào tình cảnh khó khăn. Họ đã bán trang trại của gia đình vào năm 2020 và chuyển đến chỗ ở thuê để tìm mua một căn nhà gần Guildford, ở phía đông nam nước Anh. Tám tháng sau, họ vẫn chưa mua được nhà dù đã đưa ra lời đề nghị cho ba căn nhà với giá ít nhất 2,5 triệu bảng Anh.

Nash bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ nghĩ việc này sẽ trắc trở đến vậy. Có rất ít ngôi nhà rao bán và có quá nhiều người mua săn chúng”.

Bất động sản ở Trung Quốc

Mặc dù xem việc kiểm soát đầu cơ bất động sản là mục tiêu chính nhưng chính phủ Trung Quốc cũng không dễ dàng gì khi triển khai. Trong khi đa phần các nước trên toàn cầu, đại dịch đã khiến người mua nhà có xu hướng dịch chuyển đến các vùng ngoại ô và xa hơn nữa, thì người mua ở Trung Quốc vẫn đổ về các đô thị lớn, nơi dễ dàng tiếp cận việc làm và có hệ thống giáo dục tốt nhất.

Giá nhà ở những thành phố này đã tăng 10,8% tính đến tháng 5 năm nay, bất chấp việc thắt chặt kiểm soát những kẽ hở luật pháp như ly hôn giả để có quyền mua thêm bất động sản.

Theo nghiên cứu của công ty bất động sản E-House Enterprise Holdings tại Thâm Quyến, một căn hộ có giá cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình của người dân. Tỷ lệ này không kém mấy so với Hồng Kông, thành phố có giá nhà đắt nhất thế giới. Giá nhà ở Thâm Quyến được dự báo tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc.

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *