Thông tin chung về dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Cao tốc Bắc – Nam có 3 dự án thành phần đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, gồm có:

Dự án thành phần 1: Từ Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Dự án thành phần 2: Từ Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Dự án thành phần 3: Từ Phan Thiết – Dầu Giây.

Nhà thầu đang triển khai lăn lu nền đường.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8 km, đi qua 4 huyện (Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc) của tỉnh Bình Thuận, với kinh phí đầu tư xây dựng là 10.853 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị chiếm 7.210 tỷ đồng. Công trình được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án có điểm đầu tại nút giao Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong), và điểm cuối giao với Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam).

Đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được thiết kế với quy mô 6 làn xe, bề rộng mặt đường là 22,5 m. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường là 17 m, tốc độ tối đa là 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng cấp lên 6 làn xe, bề rộng mặt đường là 32,25 m, vận tốc thiết kế là 120km/h. Công trình này được xây dựng theo quy chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Tình hình hiện tại của cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, dự kiến hoàn thiện vào tháng 12/2022. Hiện nay, dự án đã triển khai được 10,4% giá trị hợp đồng, công trình đang trong quá trình thi công hạng mục đào, đắp nền đường, khoan cọc tại các công trình cầu…

Theo Ban Quản lý dự án 7 (QLDA 7) thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư của dự này cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Bình Thuận cơ bản đã hoàn thiện, tỉnh được đánh giá cao về tiến độ thi công cũng như kết quả thực hiện. Hiện nay, địa phương này đã bàn giao 99,8/100,8 km, vẫn còn 11/1.978 hộ dân chưa chấp nhận tiền đền bù hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Lễ khởi công dự án.

Đối với công tác thực hiện di dời hạ tầng kĩ thuật, như hệ thống cáp viễn thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện trung hạ thế hiện rất chậm chạp ở khu vực huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Trong giai đoạn đầu, các hạng mục nền đường có khối lượng và thời gian thi công trì trệ nhưng đạt giá trị sản lượng thấp, điều này khiến Ban QLDA 7 nhanh chóng chỉ đạo các nhà thầu gia tăng các mũi thi công cầu, hầm chui, cống, tập kết vật tư theo mùa, sản xuất cấu kiện đúc sẵn…nhằm kiểm soát chất lượng và hạn chế tình trạng tranh mua dễ tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo.

Các gói thầu còn thiếu hàng triệu m3 đất đắp nền.

Hiện nay, dự án đang đối mặt với thách thức là thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp. Tại những khu vực đã đào nền đường nhưng  vì chưa có đất đắp nên buộc phải ngưng thi công, điều này khiến nước mưa đọng lại thành ao, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thi công. Để khắc phục tình trạng này, nhà thầu phải khẩn trương thực hiện giải pháp thoát nước, công đoạn này lại mất thêm thời gian xử lý rồi mới được thi công tiếp.

Ngoài ra, Ban QLDA 7 đã nhanh chóng kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận bổ sung vào quy hoạch và triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, để sớm có được nguồn vật liệu bổ sung.

Chủ đầu tư huy động lực lượng, máy móc nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Ông Phạm Quốc Huy, đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Điều hành dự án 4 (thuộc Ban QLDA 7) chia sẻ, mặc dù đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các nhà thầu vẫn thực hiện hàng chục mũi thi công trên toàn tuyến dài 100,8 km. Nhiều chỗ đã hoàn thiện cào bóc hữu cơ nhưng vì thiếu đất đắp, phải thi công cầm chừng hay tạm ngưng để chờ bổ sung nguồn vật liệu. Bài toán khan hiếm nguyên vật liệu đắp đất đang tác động rất lớn đến tiến độ thi công của dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *