Không có tiền vẫn có cơ hội mua nhà 

Trong khoảng thời gian gần đây, thị trường địa ốc TP.HCM có sự trỗi dậy của một hình thức vay tiền mua nhà mới và ngay lập tức thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là đối với những người trẻ đang có nhu cầu về nhà ở. 

Trong đó, chủ đầu tư của một dự án bất động sản ở Thành phố Thủ Đức đã tung ra thị trường chính sách “mua nhà 0 đồng”, dành cho khách hàng, điều này có nghĩa là khách hàng sẽ không cần bỏ vốn đầu tư.

Người mua nhà phải thực hiện quy trình gồm nhiều bước

Theo như tìm hiểu từ nguồn tin nội bộ, “mua nhà 0 đồng” là phương thức vay mua nhà mới và lần đầu tiên được chủ đầu tư áp dụng tại dự án. Theo hình thức này, khách hàng có nhu cầu vay mua nhà sẽ phải thực hiện theo quy trình gồm có nhiều bước. Bước đầu tiên là đặt cọc, khách hàng sẽ đặt cọc 50 triệu đồng cho một căn hộ hoặc 500 triệu đồng đối với một căn nhà phố. 

Sau khi hoàn tất thủ tục cho hồ sơ vay, ngân hàng sẽ dựa vào đó và giải ngân số tiền tương đương với 30% giá trị căn hộ để khách hàng ký kết thoả thuận đặt cọc. Tiếp theo, khách hàng sẽ được cho ký vào một hợp đồng mua bán và ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân 70% giá trị căn hộ còn lại. Bước cuối cùng là khách hàng sẽ được sở hữu nhà. 

Theo nguồn tin nội bộ, để được tham gia chính sách “mua nhà 0 đồng”, khách hàng phải có tài sản đảm bảo tương ứng với 30% giá trị căn hộ cho đợt giải ngân đầu tiên. 70% còn lại được đảm bảo bằng chính căn hộ/nhà phố mà khách hàng chọn mua.

“Nếu không có tài sản đảm bảo, khách hàng có thể dùng tài sản của ba mẹ, anh chị em ruột. Tài sản đảm bảo là bất động sản thì phải có giấy chứng nhận. Bất động sản là đất ở, nhà ở, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp… tại nơi có trụ sở của ngân hàng”, nguồn tin này cho hay.

Sau khi khách hàng nhận nhà thì trong thời hạn 15 tháng sau, khách phải trả gốc và lãi vay cho ngân hàng. Phương thức vay mua nhà mới này có thể là cơ hội cho những người trẻ sở hữu nhà, còn đối với những ai đã có nhà hiện hữu sẽ có thêm căn nhà thứ hai.

Khách hàng có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ”

Khách hàng có nguy cơ mắc bẫy nợ?

Theo như Giảng viên Trần Nguyên Đán – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định rằng, hình thức “mua nhà 0 đồng” làm một trong các cách kiếm tiền hiệu quả của ngân hàng.

Ông cho biết: “Khi vay mua nhà, khách hàng cố gắng làm sao vay từ 50% giá trị căn nhà trở xuống. Khi đó, khả năng trả nợ rất tốt. Bức thiết lắm người mua nhà mới phải vay 70%. Với hình thức cho vay mua nhà 0 đồng này, ngân hàng đang tìm cách nâng tạo lập tài sản lên 100%, bằng cách gán tài sản đảm bảo thứ hai vào. Về bản chất, đây vẫn là hình thức cho vay thế chấp. Chính sách này tạo điều kiện cho những người chưa có tài sản gì vẫn mua nhà được bằng cách nhờ người thân gánh nợ giúp. Đây là hình thức nâng hạn mức tín dụng lên để thu lãi nhiều hơn của các ngân hàng”

Giảng viên Trần Nguyên Đán cho rằng, người vay mua nhà nếu áp dụng hình thức nói trên rất dễ có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” do không có khả năng hoàn trả. Theo lẽ thường, khi khách hàng muốn mua nhà 3 tỷ đồng, bản thân họ đã phải có tối thiểu 30%. Ngân hàng sẽ cho vay 70% còn lại, tức tương đương là 2,1 tỷ đồng. Nếu với lãi suất 10%/năm, mỗi năm người mua nhà phải trả lãi 210 triệu đồng, được quy ra là 17,5 triệu đồng/tháng. 

Khách hàng chịu áp lực rất lớn về khả năng trả nợ nếu theo chính sách này

Khi áp dụng phương thức này, khách hàng sẽ vay luôn cả 3 tỷ đồng để mua nhà, thì với mức lãi suất 10%/năm, họ sẽ phải trả lãi 300 triệu đồng/năm, tương đương với 25 triệu đồng/tháng. Vì vậy, khách hàng sẽ phải chịu áp lực rất lớn về khả năng trả nợ nếu theo chính sách này.

Giảng viên Trần Nguyên Đán cũng bày tỏ quan điểm, với cách thức cho vay này, ngân hàng không hề vi phạm nguyên tắc quản trị rủi ro do họ gán hai tài sản đảm bảo. Còn đối với quan điểm tài chính cá nhân, đây không phải là hình thức hỗ trợ hay giúp đỡ cho người mua nhà, cho nên các cá nhân có nhu cầu mua nhà cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng tài chính của bản thân và ước tính tiềm năng, giá trị tài sản sẽ mua trước khi quyết định mua nhà theo phương thức này vì có nguy cơ họ sẽ rơi vào bẫy nợ.

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *