Thông tin chung về cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là đường cao tốc nối Đồng Nai với TP.HCM. Điểm đầu tuyến là nút giao thông An Hòa (Q.2, TP.HCM) và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Đoạn Long Thành – Dầu Giây nằm một phần trong hệ thống đường cao tốc Bắc Nam.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây qua thị trấn Long Thành, đoạn giao với Quốc lộ 51

Dự án này được triển khai xây dựng vào ngày 3/10/2009 có chiều dài là 55,7 km, với quy mô 4 làn xe.

Chủ đầu tư cho dự án này là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nguồn kinh phí đổ vào dự án là 20.630 tỷ đồng. Toàn tuyến chỉ đầu tư 4 làn xe tại giai đoạn 1, kinh phí xây dựng là 9.890 tỷ đồng từ nguồn vay ODA. Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là hai đơn vị đứng ra tài trợ cho dự án này.

Ngày 08/2/2015, toàn tuyến được thông xe khi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được hoàn thành xây dựng.

Sau 5 năm sử dụng, tuyến cao tốc này luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Có những lúc số lượng phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc đạt hơn 52.000 xe/ngày.

Lưu lượng xe qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Theo dự báo của đơn vị tư vấn, đoạn từ nút giao An Phú – nút giao Long Thành với quy mô 4 làn xe đã đủ tải trọng và dự kiến đến 2025 sẽ vượt quá 25% khả năng thông hành. Đoạn từ nút giao Long Thành – Dầu Giây sử dụng với quy mô 4 làn xe đến 2030, đoạn từ nút giao Dầu Giây – Phan Thiết đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe đến 2050.

Nếu đến 2025, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vẫn chưa kịp thời được nâng cấp, mở rộng thì đoạn An Phú – Long Thành sẽ bị tác động nặng nề đến năng lực thông hành của đoạn này.

Vì vậy, đến cuối năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các ban ngành liên quan nghiên cứu mở rộng tuyến đường này nhằm giảm thiểu áp lực lưu thông trên tuyến, cũng như liên kết đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào sử dụng, điều này góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Kế hoạch mở rộng cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trình vào tháng 7 vừa qua, nếu được thông qua thì dự án sẽ được triển khai vào 2021 – 2025.

Tuy toàn tuyến dài đến 55,7 km nhưng chỉ có 24 km trong đó được đề xuất mở rộng từ quy mô 4 đến 8 làn xe. Điểm đầu tuyến từ cầu Bà Dạt (Q.2, TP.HCM), điểm cuối là nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đông Nai). Bên cạnh đó, các nút giao trong tuyến như: Quốc lộ 51, An Phú, Vành đai 3 dự kiến sẽ được nâng cấp đồng bộ với đoạn cao tốc được mở rộng.

Đoạn An Phú – Vành đai 2 có chiều dài 4,5 km được kiến nghị nới rộng ra mỗi bên 4,75 m để đáp ứng quy chuẩn đường đô thị 8 làn xe, tốc độ thiết kế đạt 100 km/h, chiều rộng mặt đường là 36 m.

Ðoạn đầu đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa phận TP.HCM thường xảy ra quá tải.

Cũng tương tự vậy, đoạn từ Vành đai 2 đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 20 km cũng được đề xuất nâng cấp, mở rộng mỗi bên 7,5 m để đạt quy chuẩn đường đô thị 8 làn xe, tốc độ thiết kế đạt 120 km/h, chiều rộng mặt đường là 42,5 m.

Mức kinh phí đầu tư cho dự án mở rộng lần này dự kiến là 11.505 tỉ đồng, cụ thể gồm 405 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, 8.306 tỉ đồng cho chi phí triển khai xây dựng, còn lại là phí dự phòng, phí tư vấn và quản lý dự án…

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *