Siêu dự án cao tốc 36.000 tỷ nối TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Hiện nay, Chính phủ đã chấp thuận, giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Chính phủ cũng yêu cầu phải xác định kỹ càng trách nhiệm của từng địa phương về việc chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách. Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án cao tốc chỉ hỗ trợ một phần.

Qua đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn trong năm 2021 – 2025 để triển khai dự án.

Theo kế hoạch đã được thông qua trước đó, tuyến cao tốc dài khoảng 70 km, ước tính kinh phí lên đến 36.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước với quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông – Chơn Thành.

Theo ước tính, tổng mức kinh phí khoảng 36.000 tỉ đồng, vốn nhà nước góp phần dự kiến sẽ là 47% (tương đương là 17.000 tỉ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn khoảng 19.000 tỉ đồng. Đối với đoạn qua khu vực TP.HCM dài khoảng 1,5 km, từ nút giao Gò Dưa đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, ước tính gần 3.000 tỉ đồng.

Các tuyến đường nối Bình Dương đến TP.HCM liên tục ùn tắc giao thông nhiều giờ liền
Các tuyến đường nối Bình Dương đến TP.HCM liên tục ùn tắc giao thông nhiều giờ liền

Tuyến đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành xây dựng đạt tiêu chuẩn vận tốc thiết kế là 100km/h, giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô đến 4 làn xe với bề rộng mặt đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m.

Sau khi hoàn thiện và sử dụng, đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, đẩy mạnh kinh tế – xã hội liên kết các vùng, trong đó đi qua địa phận tỉnh Bình Dương, nơi được xem là “thủ phủ công nghiệp” của toàn quốc với 29 khu công nghiệp.

Song song đó, tuyến đường cao tốc này sẽ là cú hích khiến cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, rút gọn thời gian và khoảng cách địa lý giữa 3 tỉnh, thành. Ngoài ra, nhờ có tuyến đường này mà TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương giải quyết phần nào tình trạng áp lực giao thông khi mà một lượng lớn dân cư dịch chuyển về sinh sống và làm việc ngày càng tăng mạnh mẽ. Hiện, các tuyến đường này thường xuyên ùn tắc cục bộ nhiều giờ đồng hồ vì lượng phương tiện tham gia giao thông quá dày đặc.

Sau khi thông tin về tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ xây dựng được công bố chính thức, người dân của 3 tỉnh, thành này kì vọng nó sẽ giải quyết được khó khăn hiện tại. Bởi, hiện những tuyến đường lớn hiện nay như: Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 741, ĐT 743… thường xuyên lâm vào trạng thái ùn tắc nhiều giờ liền.

Lãnh đạo Bình Dương và Bình Phước ký kết hợp tác thực hiện dự án cao tốc 
Lãnh đạo Bình Dương và Bình Phước ký kết hợp tác thực hiện dự án cao tốc 

Theo nhận định từ giới chuyên gia kinh tế, sự xuất hiện của cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là một điều thực sự cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của khu vực chiếm 43% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nhấn mạnh: “Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Dương có chiều dài gần 60 km. Việc xây dựng tuyến cao tốc này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh ba địa phương mà còn là góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Hiện nay, để xuất phát từ TP.HCM đến Bình Phước qua huyện Chơn Thành hay TP. Đồng Xoài với quãng đường khá xa từ 95 – 100 km và đi qua những tuyến đường mật độ xe dày đặc như ĐT 741, ĐT 743, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14. Thời gian di chuyển dao động trong khoảng từ 3 – 4 giờ đồng hồ liền. Tuy nhiên, nếu có đường cao tốc thì việc di chuyển của phương tiện với khoảng cách đó được rút ngắn lại chỉ với 1 – 2 tiếng đồng hồ.

Một đoạn đường Quốc lộ 14 qua TP.Đồng Xoài
Một đoạn đường Quốc lộ 14 qua TP.Đồng Xoài

Ngoài ra, sau khi cao tốc này hoàn thiện sẽ cùng với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt, Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Cao tốc TP.HCM – Trung Lương kết hợp cùng với các đường Vành Đai xung quanh TP.HCM giúp phát triển mạnh mẽ lĩnh vực giao thông và kinh tế vùng.

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *