Chi phí xây dựng chiếm hơn một nửa giá thành căn hộ, khoảng 60 – 70%, cụ thể, trong 20 – 30% chi phí xây dựng đã là thép. Đợt tăng giá nguyên vật liệu xây dựng đã làm cho nhiều nhà thầu xây dựng lo ngại và phải tạm dừng thi công các dự án đã nhận thầu, chờ thời điểm giá thép hạ nhiệt để giảm thiểu thiệt hại, kéo theo nhiều dự án bị chậm trễ tiến độ so với kế hoạch.

Tạm dừng dự án, chờ cơn bão tăng giá vật liệu qua đi

Một công ty trong ngành cho biết, hiện các nhà thầu đang có động thái đàm phán, thoả thuận với các chủ đầu tư công trình về điều chỉnh mức giá trong các hợp đồng xây dựng đã ký. Nếu giữ nguyên chi phí cũ, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lỗ nặng, hoặc phải tạm dừng xây dựng, chờ giá vật liệu hạ nhiệt.

Đại diện của Công ty Tư vấn thiết kế và Xây dựng Việt Thái cũng chia sẻ về khó khăn, công ty đã ký trọn gói thi công 6 công trình từ năm ngoái. Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát đột ngột và giá sắt thép tăng phi mã khiến công ty rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và bị chậm trễ tiến độ thực hiện 02 dự án.

Giá thép đang tăng chóng mặt

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định: “Với tốc độ tăng như vũ bão hiện nay sẽ đẩy chi phí xây thô nhà riêng lẻ hiện từ 4 triệu đồng/m2 sẽ tăng lên cỡ 4,5 – 4,8 triệu đồng/m2. Giá nhà sắp tới chắc chắn sẽ khó mà giảm”.

Điều đáng nói là việc tăng giá bất động sản chỉ xảy ra đối với những dự án chưa ra hàng, còn đối với những dự án đã chào bán ra thị trường thì giá đã chốt trên hợp đồng, không thay đổi được. Còn việc tạm dừng công trình xây dựng từ phía đơn vị nhà thầu bởi tác động của giá vật liệu xây dựng tăng cao đột ngột cũng còn tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa hai bên trong hợp đồng xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu, vì thời gian được phép chậm tiến độ dao động trong khoảng 3 – 6 tháng.

Ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết: “Nếu tình trạng giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng phi mã và kéo dài quá lâu, buộc chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải ngồi lại với nhau bàn bạc để chia sẻ khó khăn”.

Giá thép tăng chóng mặt, nhà thầu khó khăn

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) quan sát và cho rằng, giá thép trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có quá trình tương đối phức tạp. Cuối 2020 ghi nhận giá thép có xu hướng tăng đáng kể, cho đến giữa quý I năm nay có giảm nhiệt, nhưng giá thép lại tăng mạnh vào cuối tháng 5 – 2021 và sau đó có điều chỉnh giảm. Thị trường hiện tại đang hết sức nhập nhằng và chưa phân định được chiều hướng tăng – giảm rõ nét.

Thông qua số liệu thu thập từ thị trường thực tế, cuối năm ngoái, giá thép xây dựng loại thép cuộn D6, D8 đang ở ngưỡng 12 triệu đồng/tấn ở các thương hiệu Việt Nhật, Việt Ý, Tung Ho, Hòa Phát, Pomina. Sau đó đến ngày 19/4 năm nay, giá thép lại có chiều hướng tăng cao với giá loại thép cuộn D6, D8 lên đến 16,9 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn khoảng 16,4 – 17 triệu đồng/tấn. Tiếp theo đến tháng 5/2021, giá thép cuộn vẫn giữ chiều hướng tăng đột biến và đạt đỉnh điểm khi chạm mức 19,5 triệu đồng/tấn, nhưng đến nay đã giảm xuống.

Giá thép có giảm giá vào giữa quý I – 2021

Đối với thị trường phía Nam, tại thời điểm ngày 21/7/2021 cho thấy giá thép đã giảm xuống dưới 17 triệu đồng/tấn. Trong đó, thép thanh vằn có mức giá 16,3 – 17 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn D6, D8 đạt mức 16,1- 16,29 triệu đồng/tấn..

Mặc dù giá thép đã phần nào hạ nhiệt so với đỉnh điểm nhưng nhiều đơn vị xây dựng vẫn lo lắng vì mức giá đó vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái tới 40%, “đẩy” chi phí xây dựng lên rất nhiều. Vì không chỉ có giá thép tăng, mà các nguyên liệu xây dựng khác cũng được đà tăng theo, chẳng hạn: Bêtông, xi-măng, gạch ốp lát tăng giá 5 – 10%; cát, đá tăng giá khoảng 15 – 20%, gạch xây dựng tăng 10%,….

“Giá thép đã tăng tới 40%, “đội” giá công trình tăng lên 10%. Toàn bộ các hợp đồng đã ký đều được cố định giá, điều này làm cho các nhà thầu rơi vào thế khó, nếu làm thì nguy cao bị phá sản mà không làm thì bị phạt”, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết.

Đại diện cho đơn vị thi công các dự án bất động sản, ông Bùi Khắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, cho rằng giá thép tăng, nguyên vật liệu xây dựng khác tăng, thậm chí giá xăng dầu cũng tăng càng khiến công ty xây dựng lao đao, việc triển khai các dự án vì thế càng trở nên gian nan.

Các nguyên vật liệu khác như cát, đá cũng tăng giá.

Trong hợp đồng đã ký kết giữa nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư, đơn vị thầu đã có sự phòng bị rủi ro từ biến động giá của thị trường từ 3 – 5%, nhưng với tốc độ tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu cũng khiến hàng loạt nhà thầu trở tay không kịp, đành phải “cắn răng” chịu phạt thầu hoặc ngưng thi công để tránh bị thiệt hại.

Hiện tại Bộ Xây dựng đã nhanh chóng ban hành chính sách hướng dẫn hỗ trợ giá cho 13 loại nguyên vật liệu có mức giá tăng phi mã, trong đó có thép, và sẽ trình báo Chính phủ sau khi thu thập dữ liệu từ các tỉnh thành, các đơn vị xây dựng… để có cái nhìn tổng quan, đánh giá chính xác và đề xuất giải pháp tối ưu nhằm bảo đảm bình ổn thị trường xây dựng.

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *