Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có Công văn về việc triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM, yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai xây dựng vành đai 3 và 4 TP.HCM theo phương thức PPP.

“PPP (Public – Private Partnership): Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.”

Theo quan sát, Phó Thủ tướng cho rằng việc thực hiện hai tuyến vành đai đang rất trì trệ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM. Hai tuyến này đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó còn phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành TP.HCM, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực.

Tuyến đường Vành đai 3

Phó Thủ tướng còn chỉ ra vấn đề khi việc chậm triển khai này đã kéo theo chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và khu vực…

Theo quyết định quy hoạch của Thủ tướng, UBND các tỉnh và TP phải có sự phối hợp và có trách nhiệm khẩn trương kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, đến nay tuyến vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km, vành đai 4 chỉ hoàn thành 11 km/197,6 km.

Vào ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc giao các địa phương là cơ quan có đủ thẩm quyền để triển khai những dự án thành phần theo phương thức PPP.

Căn cứ vào buổi họp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch phân chia các dự án thành phần, triển khai tối đa theo phương thức PPP. Cố gắng hoàn thành 2 tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021 – 2025.

Tuyến đường Vành đai 4

Với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 60.024 tỷ đồng, tuyến vành đai 3 có chiều dài là 89 km (đi qua các tỉnh là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến.

Chiếm mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, đường vành đai 4 dài khoảng 198 km (đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện ở giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đưa vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3.

Trong quý III – 2021, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, thuộc dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dự kiến cũng sẽ được khởi công.

Hình ảnh thực tế tuyến đường Vành đai 4

Bởi: Định Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *