Tình trạng căn hộ cho thuê ế ẩm
Năm 2015, anh Lê Minh Trung (ngụ tại Quận 12) có mua một căn hộ dự án Happy Valley trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7). Sau khi nhận nhà, anh đầu tư thêm 400 triệu đồng để nâng cấp nội thất rồi cho thuê lại. Từ đó đến đầu năm nay, anh thu về 25 triệu đồng hàng tháng để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm nay, khi hết hợp đồng thì khách cũng không còn thuê nữa. “Dù đã giảm giá thuê xuống còn 20 triệu đồng/tháng nhưng cũng không ai mặn mà thuê cả. Dịch bệnh tác động đến thu nhập của khách hàng nên đành trả lại căn hộ”, anh Trung cho biết.
Căn hộ cho thuê tại Quận 2
Là người đã từng thuê căn hộ rồi cho người khác thuê lại trong 5 năm nay, anh P.H.T. (ngụ tại Quận 7) cũng chia sẻ, từ giữa năm ngoái đến nay, lượng khách thuê bên anh đã giảm đến 40%. Trong số đó, có nhiều người nước ngoài sau khi về nước, họ đã không trở lại. Số khách còn lại dù đã được giảm đi từ 10 – 20% nhưng họ cũng lần lượt rời đi và trả lại nhà để tìm một căn hộ có mức giá dễ chịu hơn. Số căn hộ do chính mình sở hữu cho thuê thì còn trụ lại được, nhưng đối với hơn chục căn hộ khác mà anh thuê để cho thuê lại thì lại “điêu đứng” do không ai chịu thuê.
Nhiều căn hộ bị bỏ trống do không có khách thuê
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Diễm Hương có mua căn hộ trong khu đô thị Him Lam Chợ Lớn rộng đến 86 m2, từ đầu năm nay với mục đích để cho thuê lại. Trị giá căn hộ là 3,2 tỷ đồng, chị còn vay thêm ngân hàng là 1,2 tỷ đồng. Chị Diễm ước tính số tiền cho thuê căn hộ sẽ giúp chị trả được tiền vay ngân hàng mỗi tháng. Nhưng trái với dự tính, từ đó đến nay căn hộ của chị Hương vẫn chưa tìm được khách thuê, dù đã ráo riết đăng tin trên các hội nhóm và diễn đàn nhà đất. “Căn hộ chung cư có 2 phòng ngủ bảo đảm tiện nghi, bao luôn phí quản lý vận hành, chỉ mỗi việc vào ở thôi nhưng không hiểu sao lại không có khách chọn. Hiện nay, nhà không có ai ở nhưng tôi phải gồng mình trả lãi ngân hàng mỗi tháng”, chị Hương cho biết.
Mô hình hết thời
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Văn Hậu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, hiện nay chung cư được chia thành 3 nhóm khách hàng chính, đầu tiên là nhóm khách hàng mua để ở thực, lượng khách này chiếm cỡ 50% số lượng người mua. Nhóm thứ hai là khách mua để đầu tư cho thuê, nhóm này ít hơn với tỷ lệ từ 30 – 40%, và nhóm còn lại chỉ mua để đầu tư lướt sóng kiếm thêm lợi nhuận. “Hình thức căn hộ cho thuê không còn là mảnh đất màu mỡ như trước kia nữa rồi, không còn thời hoàng kim như trong giai đoạn năm 2010 – 2017. Từ 2017 đến giờ, số lượng căn hộ có tăng lên, cùng với ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đã làm nhà chung cư không còn được khách hàng ưu tiên lựa chọn nữa”, ông Hậu nhận định.
Mô hình căn hộ cho thuê không còn thời hoàng kim
Theo dữ liệu từ web Batdongsan.com.vn ghi nhận, trong quý 2 vừa qua, tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho hai phân khúc là căn hộ và nhà phố cho thuê tại TP.HCM đang có chiều giảm đáng kể trong 3 năm gần đây nhất, đặc biệt là với mô hình căn hộ cao cấp cho thuê. Năm 2019 mức lợi nhuận đã chỉ còn ở ngưỡng 5,2% (tính theo công thức giá thuê 12 tháng/giá bán căn hộ) trong khi trước đó trong khoảng thời gian 2017 – 2018, mức lợi nhuận đạt được là 6 – 8%. Đáng lo ngại nhất là mức lợi nhuận này vẫn không ngừng giảm hẳn về ngưỡng 4% trong nửa đầu năm nay.
Giải thích lý do cho sự tụt giảm liên tục của tỷ suất lợi nhuận đầu tư căn hộ cho thuê tại TP.HCM thì ông Lê Minh Hoàng – chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình trạng khan hiếm của dòng sản phẩm nhà ở bình dân, mức giá bán sơ cấp chung cư tăng vọt liên tiếp, cùng với làn sóng dịch lần thứ 4 đã khiến cho căn hộ “thoái trào” khỏi danh mục kênh đầu tư của nhiều người.
Bởi: Định Phạm